Trong chuyến khảo sát, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi thăm từng bộ phận chi tiết và toàn bộ dây chuyền của nhà máy Nam dược Tản Viên Sơn. Bộ trưởng có lời khen và bày tỏ sự bất ngờ, vui mừng khi một nhà máy sản xuất nam dược mà lại được đầu tư bài bản, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các sản phẩm của Nam dược Tản Viên Sơn giới thiệu với đoàn công tác cũng cho thấy sự đa dạng, thiết thực và đáp ứng đủ nhu cầu từ phòng, chữa bệnh tới bồi bổ cơ thể, làm đẹp… cho người tiêu dùng.
Từ 2016 đến nay, Nam dược Tản Viên Sơn được đánh giá là đơn vị lớn nhất trong quần thể hơn 300 hộ kinh doanh hoạt động dịch vụ nam dược với mô hình hợp tác xã sản xuất. Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã đầu tư hoàn thiện nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP dưới sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu khoa học về dược liệu.
Sau khi tham quan cụ thể các mô hình sản xuất, nhà máy đạt chuẩn GMP, và dây chuyền sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Người Dao ở vùng núi Ba Vì là “viên ngọc”, nghề làm thuốc nam, tri thức và văn hóa bản địa của người Dao nơi đây cũng là viên ngọc, thậm chí còn quý hơn viên ngọc vì không có tiền nào mua được. Vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ cùng chính quyền địa phương và bà con để tạo ra không gian phát triển mới cho cây dược liệu”.
Trước đây, đồng bào dân tộc người Dao ở xã Ba Vì sống giữa lưng chừng núi Tản Viên (độ cao từ 600 – 800m) và sinh kế gắn chặt với rừng. Nhưng từ năm 1991, khi Vườn Quốc gia Ba Vì hình thành, bà con phải di dân tái định cư xuống xuống độ cao dưới 100m (ngoài địa giới của Vườn). Cùng với quy định không cho phát cây rừng, đốt nương làm rẫy để bảo vệ hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia, đời sống của người dân khó khăn do thiếu đất canh tác. Đảng bộ và chính quyền xã Ba Vì xác định: “Không có con đường nào khác, chỉ có trồng và phát triển dược liệu để chế biến thuốc nam mới có thể thoát nghèo”.
Với xuất phát điểm là hàng loạt các thuận lợi như vị trí địa lý, môi trường khí hậu, hệ sinh thái thuốc nam lâu đời trong cộng đồng người Dao, cùng hàng loạt các chính sách từ Trung ương đến địa phương, HTX Nam dược Tản Viên Sơn đã tận dụng ưu thế đó để hình thành và có những bước phát triển nhanh “thần tốc”.
Ông Lương Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, cộng động người Dao trên địa bàn xã đang lưu giữ những tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc rất đa dạng và chế biến trên 60 bài thuốc được Bộ Y tế công nhận. Theo thống kê, tại vùng núi Ba Vì có khoảng trên 500 loài cây dược liệu, được phân thành 118 hộ và 321 chi và đều được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau… Tuy nhiên, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang ngày càng cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững suốt thời gian dài. Vì vậy việc hình thành các Hợp tác xã quy mô lớn và hình thành các nhà máy nam dược như Tản Viên Sơn là cách để lưu giữ, phát triển và thương mại hóa nghề thuốc, cây thuốc tốt nhất cho bà con người Dao nói riêng và bà con Ba vì nói chung.
Chuyến thăm và khảo sát của đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã thành công tốt đẹp!
Những hình ảnh đẹp trong chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: