Trong những năm qua, thủ đô Hà Nội luôn đi đầu trong cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Không dừng lại ở đó, Hà Nội đã định hướng ứng dụng khoa học để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp nói chung cũng như dược liệu nói riêng.
Để hiểu rõ hơn mô hình này, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức Talkshow “Ứng dụng Khoa học vào phát triển dược liệu” với sự tham gia của Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội Nguyễn Hồng Siêm và ông Trương Mạnh Hải – Tổng giám đốc Hợp tác xã Nam Dược Tản Viên Sơn.
Phát triển dược liệu tại Việt Nam – “Dù có lợi thế về tài nguyên nhưng chưa khai thác được bao nhiêu”
Nguồn dược liệu của nước ta rất phong phú với gần 4000 loại, có thể sử dụng làm thuốc hoặc tách chiết bào chế hoạt chất với dược tính rất cao. Thế nhưng một nghịch lý hiện nay đó là ngành dược của chúng ta lại đang dựa rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân là do thiếu công nghệ chiết suất, chưa có nghiên cứu bài bản, quy mô sản xuất chưa được đầu tư đạt tiêu chuẩn.
Dẫn đến thực trạng phổ biến ở nước ta đó là dù có lợi thế rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng lớn đó.
Tại buổi Talkshow “Ứng dụng Khoa học vào phát triển dược liệu”, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm – Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam đã chia sẻ về tiềm năng rất lớn của việc phát triển cây dược liệu nước ta:
“Tôi cho nghiên cứu đề tài cấp cơ sở, trồng cây dược liệu trên ruộng trũng tức là ruộng trũng người ta hoang hóa không trồng được lúa nữa, có những cây dược liệu lại trồng ở trên đó rất tốt. Hai là trồng cây dược liệu trên đất đồi cỏ và trồng dược liệu trên đất hai lúa tức là lúa hai vụ rồi chuyển sang trồng dược liệu thì 3 cái đề tài cấp cơ sở đều cho kết luận nếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa, cây ăn quả sang trồng dược liệu thì tăng năng suất cho người nông dân từ 3-8 lần.”
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng vấn đề bao tiêu đầu ra thì vẫn phụ thuộc vào việc xuất khẩu, ảnh hưởng đến sự ổn định giá thành nếu người dân tăng diện tích trồng dược liệu.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các loại thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên ngày càng nhiều không chỉ ở các nước Á Đông mà còn ở các nước phương Tây. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, số lượng sản xuất dược liệu, cơ sở thuốc Nam, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng là rất ít.
Cùng với đó, quy mô sản xuất còn lạc hậu, thiếu liên kết, khi đưa ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn rào cản về vốn, giấy chứng nhận, thủ tục hành chính,…
Vậy nên đặt ra yêu cầu cần có những doanh nghiệp tâm huyết tham gia vào công cuộc phát triển cây dược liệu này, không chỉ giúp tận dụng nguồn dược liệu khô sẵn có mà còn tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài không truy xuất được nguồn gốc.
Ứng dụng Khoa học vào phát triển dược liệu tại Nam Dược Tản Viên Sơn
Tận dụng lợi thế nằm trong vùng nguyên liệu cũng như kinh nghiệm sử dụng công thức gia truyền của đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt, HTX Nam Dược Tản Viên Sơn được thành lập với sự đầu tư tập trung. Và năm 2021 đã hoàn thành nhà máy đạt chuẩn GMP đầu tiên và duy nhất tại huyện Ba Vì.
Việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang nhà máy GMP như thế, Nam Dược Tản Viên Sơn đã xác định phải có chiến lược về cơ sở hạ tầng cũng như chuyên gia chuyên môn đảm bảo được giá trị sản phẩm khi ra thị trường.
Với hệ thống máy móc hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hiện nay. Các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên an toàn, lành tính đều được phát huy từ công thức gia truyền và sản xuất trực tiếp bằng dây chuyền máy móc hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP và được đảm bảo chất lượng thông qua hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 22000:2018.
Trước đây người dân trong làng nghề làm ra thuốc phải mang đi khắp nơi để bán nhưng vì không có thương hiệu cùng với các kiểm định của cơ quan có thẩm quyền nên chưa có độ tin tưởng cao.
Khi xây dựng tại nơi đây, Nam Dược Tản Viên Sơn cũng đã giúp thu mua cây dược liệu của nhân dân, chuyển đổi đất canh tác không hiệu quả sang phát triển dược liệu cho thu hoạch ngắn ngày và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trương Mạnh Hải – đại diện cho HTX Nam Dược Tản Viên Sơn cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm:
“Hợp tác xã cũng có bộ phận chuyên môn để hướng dẫn cho bà con từ lúc trồng rồi thì thu lượm, cách chăm bón lấy giá trị cao nhất của cây dược liệu đó. Đến khi mà thu mua thì Hợp tác xã cũng có bộ phận về nghiên cứu đến để hướng dẫn bà con thu hoạch ra làm sao, phân loại như thế nào, vệ sinh nó như thế nào để đưa về nhà máy bào chế, chiết xuất.”
Từ những hiệu quả ban đầu cho thấy tiềm năng hết sức to lớn nếu có đường hướng đúng đắn và ứng dụng công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân viên có trình độ cao và chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề thì có thể tạo ra một sức bật mới, sự chuyển biến về “chất” cho công nghệ chiết xuất dược liệu, tạo cơ sở vững chắc cho ngành công nghiệp dược của Việt Nam phát triển đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước cũng như ra thị trường nước ngoài. Và thương hiệu Nam Dược Tản Viên Sơn chính là một ví dụ tiêu biểu.
Định hướng phát triển du lịch trải nghiệm dược liệu – “Hướng đến không chỉ sản phẩm OCOP mà cả vấn đề về du lịch”
“Hợp tác xã Nam Dược Tản Viên Sơn ra đời, chúng tôi đã xác định ngay từ ban đầu là chúng tôi bám chặt vào giá trị bản địa, y học bản địa. May mắn là chúng tôi nằm trong vùng đó, nằm trong vùng làng nghề của dân tộc Dao Ba Vì.” Do đó, Nam Dược Tản Viên Sơn luôn định hướng phát triển giá trị cổ truyền của người Dao ngày càng đa dạng, phong phú cũng như phát triển dược liệu không chỉ ở các sản phẩm hữu hình mà còn hướng đến các dịch vụ trải nghiệm.
Tại Ba Vì đã có nhiều hoạt động du lịch khác nhau như du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm. Nhưng các mô hình trải nghiệm về du lịch dược liệu thì chưa đầu tư phát triển.
Do đó, Nam Dược Tản Viên Sơn đưa ra phương hướng phát triển các vùng dược liệu sạch tại Ba Vì, giúp cho khách hàng có thể trực tiếp thăm quan cây dược liệu, quy trình thu hái dược liệu từ vùng núi Ba Vì, từ thâm canh của người dân, rồi sau đó trải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng như thế nào tại nhà máy, quy trình từ chiết xuất cho đến việc đóng gói, sản xuất đó là một dây chuyền khép kín.
Khi du khách có thể trực tiếp trải nghiệm và chứng kiến quá trình trồng trọt, chăm bón, thu hái rồi bào chế, sản xuất thì sẽ mang đến trải nghiệm mới lạ cũng như mang sự trân trọng hơn với nguồn dược liệu quý giá của Việt Nam.
Talkshow “Ứng dụng Khoa học vào phát triển dược liệu” đã cho thấy được tiềm năng rất lớn của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển dược liệu cũng như bài học của Nam Dược Tản Viên Sơn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển cây dược liệu.