Thương hiệu Nam Dược Tản Viên Sơn được gắn liền với câu chuyện của núi Tản Sông Đà, của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Sự uy linh gia hộ Đức Thánh Ngài cho giữa vùng đất địa linh, nhân kiệt cùng với Núi Tổ Ba Vì – Mảnh đất được Tứ linh phù trì. Đức Thánh Tản Viên Sơn được suy tôn là Đệ Nhất Bách Thần, là vị thánh đứng đầu trong hàng “Tứ Bất Tử”, mang theo ngưỡng kính và niềm tin bất diệt của những người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, đại diện cho linh hồn và sức mạnh của dân tộc, vô cùng uy linh và ứng nghiệm.
Sự tích Đức Thánh Tản Viên Sơn
Đức Thánh Tản Viên Sơn sống vào thời Hùng Vương đời thứ 18, Ngài có tên thật là Nguyễn Tuấn. Thánh phụ là cụ Nguyễn Cao Hành – là lương y tài giỏi, làm thuốc chữa bệnh cứu người. Thánh mẫu là cụ bà Đinh Thị Đen, người hiền lành, đức độ. Thánh phụ và Thánh mẫu của Đức Thánh Tản Viên Sơn hiện được phối thờ tại đền Lăng Xương, Phú Thọ. Ngài được sinh ra tại động Lăng Xương xưa (ngày nay thuộc địa bàn xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ).
“Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần.
Mang dấu Rồng thiêng xuống hạ trần
Thái Vỹ cùng là Tiên thượng giới
Sinh ra Thánh Tản ở động này.”
Mẹ nuôi Ngài là bà Ma Thị Cao Sơn – người đồng bào dân tộc Dao, là người cai quản vùng núi Ba Vì, rất giỏi trong việc hướng dẫn bà con đồng bào làm ăn sinh sống và chỉ dạy mọi người cách sử dụng cây thuốc trên rừng để chữa bệnh.
Dựa trên sự tích “Sơn Tinh Thủy Tinh”, Ngài được vua Hùng Vương thứ 18 gả con gái là Mị Nương Công Chúa Ngọc Hoa cho về làm vợ. Ngài còn được mọi người biết đến là cha của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn hay chính là La Bình Công Chúa hiện đang được thờ tại đền Mẫu Đông Cuông – Yên Bái và đền Bắc Lệ – Lạng Sơn, ngoài ra còn được biết đến đền Suối Mỡ – Bắc Giang là nơi Mẫu tu tiên thành Đạo.
Truyền thuyết của Ngài gắn liền với những công lao to lớn, cứu dân, hộ quốc, đánh tan giặc ngoại xâm khỏi bờ cõi Văn Lang và dạy dân bách nghệ, cách thức làm ăn sinh sống. Thời bình, cùng với “gậy thần, sách ước” chu du khắp nơi, Ngài dạy dân biết dùng cây thuốc để chữa bệnh, cứu người.
Với những công lao to lớn, Đức Thánh Tản Viên Sơn được rất nhiều triều vua ban sắc phong thể hiện sự tôn kính, trọng vọng là “Đệ nhất bách thần”, “Thượng đẳng tối linh thần”, “Nam thiên thánh tổ”, “Ngũ nhạc thần vương”, “Chiêu tường tập thiện”, “Thượng thượng thượng đẳng tối linh thần”. Ngài cũng chính là Ông Tổ của nghề thuốc Nam.
Núi tổ Ba Vì – Nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn
“Núi Tản Viên ấy là núi Chủ (Tổ) của nước Nam ta đó”. (“Dư Địa Chí” – Nguyễn Trãi)
Dãy núi Ba Vì có diện tích không rộng nhưng khá cao và độ dốc lớn. Núi có 3 ngọn nằm trên một khối gồm: Đỉnh Vua cao 1.296m, Tản Viên cao 1.281m và Ngọc Hoa cao 1.120m. Mặc dù tên núi là Ba Vì nhưng dân gian gọi là núi Tản Viên.
Núi Tản Viên được biết đến chính là ngọn núi xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh khi “Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh đắp núi, xây thành cao bấy nhiêu”. Thực tế, núi Ba Vì thấp hơn núi Tam đảo tới gần 300m nhưng vẫn được suy tôn là ngọn núi cao nhất bởi sự uy linh từ long mạch và được mang danh Đức Thánh Tản – người đứng đầu trong hàng Tứ Thánh Bất Tử của Việt Nam – “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.
Núi Ba Vì được vua Đường cho là ngọn núi nắm giữ long mạch – đầu rồng mà thân rồng chính là dãy Trường Sơn ngày nay. Với âm mưu đô hộ nước ta, vua Đường lệnh cho Cao Biền đến đào một trăm cái giếng quanh chân núi, triệt long mạch, trấn yểm để nước ta không thể phát vương. Nhưng giếng cứ đào xong là sập, lấp kín yếu điểm của long mạch. Sự linh thiêng và ý nghĩa của núi Ba Vì từ đó mà trường tồn mãi mãi.
Hiện nay, đền Tản Viên Sơn Thánh nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Khu đền Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Lời kết: Nam Dược Tản Viên Sơn vinh dự và tự hào khi có sự gia hộ của Đức Thánh Ngài trên con đường phục hưng nền Nam dược và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa vùng núi Tản Viên với sứ mệnh “Tiên phong sứ mệnh màu xanh”.