Tìm về với mảnh đất Yên Sơn, Ba Vì là tìm về vùng đất đầy huyền bí của người dân tộc Dao Quần Chẹt, nơi đây nổi tiếng với những bài thuốc quý và biết bao loài kỳ hoa dị thảo, đã giúp được hàng triệu người thoát khỏi cảnh bệnh tật lâm nguy. Trong đó Lương y Lăng Thị Châm là một trong những người khơi dậy và phục hưng những bài thuốc gia truyền của dòng họ Lăng nói riêng, dân tộc Dao nói chung. Và không ai nghĩ một người phụ nữ được sinh ra và lớn lên ở một nơi núi rừng heo hút, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ xoay là những nhành cây ngọn cỏ và người thân thuộc đều là người dân đồng bào. Nay lại là chủ tịch của cả một HTX, một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên và duy nhất tại Ba Vì hiện nay, nổi tiếng với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại ứng dụng dựa trên các bài thuốc Nam gia truyền.
Khát vọng phục hưng nền Nam dược của người con Đồng bào dân tộc Dao
Mảnh đất Yên Sơn – Ba Vì cũng là nơi sinh ra, lớn lên và trưởng thành của Lương y Lăng Thị Châm cũng đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt. Từ bé chị được theo cha, theo mẹ, cùng các anh chị em trong gia đình lên rừng hái thuốc, quen với cuộc sống chốn sơn lâm nên những cành cây, ngọn cỏ, những cây thuốc quý chị gần như đều thuộc hết. Để tìm được những vị thuốc quý hiếm ẩn mình trên núi cao đại ngàn, chị hiểu phải khổ công lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm kiếm.
Tuy nhiên lớn lên chị lại đi theo một ngã rẽ khác học và làm ngành Du lịch với những suy nghĩ của người trẻ muốn bay xa. Sau khi kết hôn sinh con rồi cũng bị cuốn vào vòng xoay của cuộc sống, chị Châm vẫn tiếp tục làm công việc kinh doanh du lịch, rồi buôn bán nhiều mặt hàng, tuy nhiên, trong đó không hề có mặt hàng thuốc nam gia truyền của dòng họ Lăng, mặc dù mẹ chị vẫn theo nghề của cha ông để lại, đó là bốc thuốc cứu người.
Nhưng theo năm tháng, tình yêu đối với thuốc Nam, với từng cây dược liệu vẫn được núi rừng nuôi dưỡng và lớn lên trong chị. Rồi hằng ngày, chị thấy mẹ khi tuổi đã cao nhưng vẫn cần mẫn sớm hôm đi lên rừng hái thuốc, vẫn dãi nắng hàng giờ để cố phơi những mẻ thuốc thật khô, để bốc những thang thuốc tốt cứu chữa cho bao người. Chị hiểu mẹ chỉ thiếu người truyền dạy, thay bà gìn giữ những bài thuốc, thay bà giữ gìn những giá trị cốt lõi, thay bà giữ lại những nét văn hóa bản địa mà cuộc sống hiện đại ngày nay đã mai một đi nhiều. Càng yêu, càng trân quý với bao nhiêu thì chính chị càng trăn trở giữ nghề thuốc Nam bấy nhiêu.
Trước dòng chảy của thời gian, nghề thuốc Nam của đồng bào dân tộc cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, nỗi lo về mai một nghề gia truyền cũng nhiều hơn. Chính vì thế, chị quyết định nghỉ việc và quyết tâm theo nghề bốc thuốc của mẹ. Trải qua những tháng năm đầu nhiều vất vả, gian truân nhưng với sự thông minh, nhanh trí của chị những bài thuốc gia truyền dần dần được chị nắm giữ và cho ra những sản phẩm vô cùng giá trị. Cũng từ đó Hợp tác xã Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) đã được thành lập.
Giấc mơ mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn với đồng bào mình
Bà con ngày xưa ở thôn Yên Sơn nói riêng, xã Ba Vì nói chung vất vả lắm!
Thiếu ăn, thiếu mặc đủ đường. Thậm chí trẻ em nơi đây nhiều bạn còn không có điều kiện được cắp sách đến trường, phải ở nhà phụ giúp cha mẹ lên rừng hái thuốc để có cơm ăn áo mặc hàng ngày. Ngày nay, tuy sự vất vả đó đã không còn nhiều nhưng sự trăn trở trong chị làm sao để đồng bào mình có cuộc sống tốt đẹp hơn? Để nền Nam dược phát triển hơn? Để gìn giữ văn hóa bản địa không bị mai một theo năm tháng? Vì thế, sự trăn trở của chị chưa dừng lại ở việc giữ gìn những bài thuốc gia truyền của cha ông dòng họ Lăng, mà còn muốn phát triển lên những tầm cao mới, không chỉ thị trường trong nước ngay cả thị trường quốc tế. Từ những suy nghĩ táo bạo trong kinh doanh, chị còn muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, để bà con nơi thôn bản có cuộc sống tốt hơn, không phải buôn bán tự phát nhỏ lẻ như những thời sơ khai.
Rồi hơn ai hết, chị hiểu rằng quê hương mình có khí hậu thuận lợi để cây dược liệu sinh trưởng và phát triển, nguồn dược liệu rất phong phú, đa dạng, song bà con nhân dân đang chưa thực sự phát huy được những giá trị quý của cây thuốc, thiếu sự liên kết trong sản xuất nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bởi vậy, chị đau đáu sao có thể thành lập được nhà máy sản xuất chuyên nghiệp hơn, kết hợp trực tiếp với bà con để nâng cao giá trị cho cây thuốc, cải thiện chất lượng đời sống cho bà con thôn bản. Do đó, chị đã quyết tâm xây dựng một nhà máy Hợp tác xã Nam Dược Tản Viên Sơn với quy mô theo đúng chuẩn GMP dưới sự giúp đỡ của người thân, anh em bạn bè, đối tác và không thể thành công nếu không có sự gia hộ của ngài Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đó không chỉ là niềm tự hào mà đó còn là sứ mệnh nâng cao và bảo vệ sức khỏe nhân dân đúng với tiêu chí “Nam dược trị Nam nhân”, “Người Việt dùng hàng Việt”.
“Chúng tôi chuyển đến vị trí mới để có mặt bằng lớn hơn, đủ điều kiện xây dựng nhà máy quy mô. Đây sẽ là điều kiện tốt hơn để sản xuất, nâng giá trị các bài thuốc Nam của cộng đồng người Dao nơi đây” – Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chia sẻ.
Vẫn là các dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn. Thay vì đun thuốc trên bếp củi, với nhà máy GMP, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp với pha chế trong các bồn hút chân không,… tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn. Hợp tác xã cũng xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý đảm bảo các mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Y tế.
Hơn nữa với chị, nghề thuốc muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dược liệu để bốc thuốc, mà còn bắt đầu từ công việc làm thế nào để bảo tồn cây thuốc, nhân rộng bài thuốc đến với nhiều người hơn. Sau gần 15 năm hợp nhất về với Thủ đô, hạ tầng giao thông của bản người Dao tại Ba Vì đã được đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách từ việc vận chuyển vật liệu, máy móc rồi làm thế nào để cập nhật và vận hành các công nghệ mới nhất,… Đối với một người phụ nữ, những khó khăn ấy ngày càng thêm lớn. Nhưng bằng tình yêu và sự quyết tâm, không quản ngại gian khó cùng sự góp sức của các cộng sự, chị Lăng Thị Châm đã làm nên “Điều tưởng như không thể” ấy.
Khơi dậy những bài thuốc quý của dân tộc Dao Quần Chẹt Ba Vì
“Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, (…) chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. (Đại danh y Lê Hữu Trác)
Nằm ẩn mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại, trải qua hàng nghìn năm, nghề làm thuốc Nam bí truyền mà các thế hệ người Dao đang sở hữu là “kho báu” vô giá không gì đong đếm được. Là một trong những gia tộc nổi tiếng và lâu đời của đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt Ba Vì, dòng họ Lăng được biết đến với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, luôn tâm niệm chữa bệnh cứu người là tâm đức trao truyền cho cho thế hệ con cháu. Là truyền nhân của dòng họ, chị Lăng Thị Châm tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống quý báu ấy. Các bài thuốc của Nam Dược Tản Viên Sơn đều được chị kế thừa dựa trên giá trị cốt lõi của công thức được ghi lại trong cuốn bí kíp dòng họ mình. Với kinh nghiệm y học cổ truyền quý giá, dùng thảo dược tự nhiên, lành tính xung quanh núi Tản Viên để bào chế cây thuốc, chị đã hỗ trợ chữa khỏi bệnh cho hàng triệu người trong suốt 10 năm qua.
Muốn làm nghề thì cái tâm với nghề, cái lòng với người bệnh phải thực sự lớn. Phải làm sao đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, hiểu được họ cần gì, cảm giác của họ ra sao, đồng thời cũng đặt mình vào vị trí người nhà bệnh nhân để hiểu cho nỗi lo lắng, bất an khi phải chứng kiến người mình yêu thương ngày ngày chống chọi với bệnh tật. Chỉ có như thế thì người thầy thuốc mới có thể phát huy hết trí lực, dành hết tâm sức chữa bệnh cứu người. Muốn cho y đức được nâng cao thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.
Theo chị Lăng Thị Châm: “Y lý trong những bài thuốc của gia tộc chị thường có 4 bước gồm trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh. Nên sứ mệnh mà thương hiệu Nam dược Tản Viên Sơn hướng đến không chỉ là giúp người người bệnh điều trị khỏi bệnh, mà còn giúp mọi người phòng bệnh, chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mình tốt nhất.”
Người phụ nữ dân tộc điển hình, khẳng định giá trị bằng chữ “tâm”
Không chỉ đặt ra sứ mệnh bảo tồn nền Nam dược của dân tộc mình, trong sự nghiệp đổi mới đất nước với bối cảnh hội nhập quốc tế, chị Lăng Thị Châm đã góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại mang tư tưởng “dám nghĩ, dám làm”. Hiện tại chị đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Dược Tản Viên Sơn. Từ làng nghề thủ công, chị đã xây dựng, phát triển nhà máy sản xuất với quy mô diện tích hơn 5.000m² đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên và duy nhất tại Ba Vì, vừa mang đến sản phẩm chất lượng bảo vệ sức khỏe, vừa tạo ra cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh cho hàng ngàn người.
Chị ghi dấu với hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình đã vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức; lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng góp phần dựng xây quê hương, đất nước, phục hưng ngành Nam dược. Chị Lăng Thị Châm đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung, người con của vùng đất Ba Vì nói riêng.